Hành chính và dân cư Đa_Lộc,_Đồng_Xuân

Từ năm 1962 đến năm 1975 xã Đa Lộc là một thôn của xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân và là căn cứ cách mạng. Đến năm 1979 mới tách ra[3] và thành một xã kinh tế mới, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng còn đơn sơ, lúc đó toàn xã chưa có hộ dân nào xây nhà kiên cố, trình độ dân trí còn thấp.

Xã Đa Lộc được Chính phủ công nhận là xã đặc biệt khó khăn vào năm 2005. Đời sống nhân dân rất khó khăn vì kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Các cây trồng chủ lực của xã là: sắn, mía, lúa, keo lai.

Xã ở cách xa trung tâm huyện lỵ, hệ thống giao thông xuống cấp trầm trọng, cơ sở hạ tầng, mức hưởng thụ về văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục còn kém so với các địa phương khác trong huyện.

Đa Lộc gồm 6 thôn: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 5 và thôn 6. Dân số của xã hiện nay (Năm 2016) vào khoảng 1.265 hộ; 4.785 người, hộ nghèo 718 hộ chiếm tỷ lệ 57%; hộ cận nghèo 117 hộ chiếm tỷ lệ 9,2%. Thôn 1 là nơi định cư của người dân tộc thiểu số. Thôn 6 là nơi ở của người Kinh và dân tộc thiểu số. Các thôn còn lại là nơi định cư của người Kinh. Dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn xã chủ yếu là người Chăm và Bana. Theo số liệu thống kê năm 2014 toàn xã có 246 hộ; 1.069 khẩu là người dân tộc thiểu số. Trong đó dân tộc Chăm là 179 hộ, 807 khẩu; dân tộc Bana 67 hộ, 250 khẩu.Người dân ở Thôn 2 và Thôn 5 phần lớn theo đạo Công giáo. Đa Lộc hiện đang đổi thay nhanh theo đà phát triển của đất nước. Thôn 3 là trung tâm của xã nơi có ủy ban nhân dân xã, trạm y tế, bưu điện, trường Mầm non Đa Lộc, Trường Tiểu học Đa Lộc, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Viết Xuân, chùa chiền, nghĩa trang liệt sĩ. Nhà thờ nằm ở Thôn 5. Người dân ở đây hiền hòa mến khách và rất cần cù. Vật nuôi chủ yếu là , heo, gà, vịt... Cả xã có 10 trang trại heo thịt nuôi 02 lứa/năm (5.500 con/lứa). Điều đặc biệt ở Đa Lộc là mỗi thôn cách nhau bởi một cây cầu.

Liên quan